Bình giảng thơ: khổ 3 và 4 bài Sóng của thi sĩ Xuân Quỳnh

Bình giảng thơ: khổ 3 và 4 bài Sóng của thi sĩ Xuân Quỳnh

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh mang đến cho người đọc rất nhiều cảm xúc, tiêu biểu nhất là những xúc cảm về tình yêu đôi lứa. Các bạn đọc hãy cùng Camnang24h.net bình giảng về bài thơ này.

Xem thêm:

Đề bài: Phân tích hai khổ thơ 3 và 4 trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Bài làm

       Thơ Xuân Quỳnh dẫu có lắng nghe bao lần, ta vẫn nhận ra trong đó những thoáng mong manh lo sợ cùng nét đẹp của một hồn thơ nhạy cảm, giàu trực cảm. Và đó, chính là nét nữ tính rất riêng làm nên bản sắc của Xuân Quỳnh, mà trong Sóng, tác giả đã hóa thân trọn vẹn nhất điệu hồn ấy vào hai khổ thơ 3 và 4.

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?”

 

         Đứng trước biển khơi rộng lớn bao la, tâm hồn nhạy cảm tinh tế của một trái tim yêu bỗng dưng trào lên những xúc cảm mãnh liệt về người mình thương nhớ. Đồng thời, trạng thái ấy cũng phần nào khẳng định trái tim yêu tha thiết mãnh liệt của Xuân Quỳnh, ở bất cứ không gian và thời gian nào, nỗi nhớ luôn hiện hình luôn trực trào lên. Từ câu hỏi về cội nguồn của cơn sóng – biểu tượng của sự sống, sự vĩnh cửu, bất tận, nhà thơ cất lên nỗi băn khoăn về nguồn gốc của tình yêu. Đi từ thiên nhiên rộng lớn đầy những bí ẩn để gắn kết nó với nỗi niềm khắc khoải trong lòng người, quả nhiên, cách diễn đạt của Xuân Quỳnh đã làm mềm đi rất nhiều tính chất nghi vấn trong lời gõ cửa của trái tim.

        Đặc biệt, nếu để ý dấu phẩy ngăn cách ở câu thơ thứ hai chính là một cách làm “điệu thơ” rất có duyên của Xuân Quỳnh. Nó khiến câu thơ vốn đơn thuần mang tính chất tự sự, bỗng dưng được thổi hồn để mang chút ngập ngừng, âu lo vốn là nét đặc trưng của hồn thơ Xuân Quỳnh – một hồn thơ nhạy cảm, giàu trực cảm. Câu thơ đã đặt cả người được nhớ và người đang nhớ vào trong một mạch chảy, khiến cho cảm xúc thơ càng rạo rực, càng cho thấy tấm lòng của nhân vật trữ tình trong tình yêu.

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau?”

        Cắt nghĩa, lý giải về nguồn gốc của tình yêu đã từng có chàng thi sĩ Xuân Diệu với cặp mắt xanh non rờn biếc khẳng định: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Nhưng, nếu ngay khi vừa phủ định Xuân Diệu lại dí dỏm đưa ra câu trả lời của mình:

“Có khó gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”

         Thì với Xuân Quỳnh chị không ham lí giải, phân tích dù trong lòng có bao bức xúc đòi tìm ra tận bể, để được thấu hiểu, để được đồng điệu. Điều mà nhà thơ muốn bộc bạch ở đây là sự thể hiện tự nhiên tựa như một lời giãi bày về mặt tình cảm hơn là  thể hiện sự phân tích lý tính rạch ròi. Thậm chí, đó còn là lời thú nhận rất duyên dáng và đậm chất nữ tính của nhà thơ về sự bất lực khi không thể, cắt nghĩa, lý giải được bản chất của tình yêu nhiệm màu: em cũng không biết nữa.  Cái lắc đầu rất nữ tính ấy hóa ra là ẩn dấu sau nó còn là sự thấu hiểu sâu sắc và nhận thức được rõ ràng tình yêu, tự nó là một cuốn từ điển riêng, là một chân trời mới lạ mà ở đó người ta chỉ có thể cảm nhận, không thể cắt nghĩa. Tình yêu là một địa hạt chứa đựng những triết lí của riêng nó, nó là câu chuyện của trái tim và đòi hỏi sự cảm nhận, lắng nghe, nó nằm ngoài sự xét đoán của lý trí. Tựa như trái tim yêu của Xuân Quỳnh đã dành tất cả sự chân thành tha thiết để mong thấu hiểu được những nội hàm huyền bí ở trong nó, nhưng nếu như tình cảm và cảm xúc có thể cân đo đong đếm và cắt nghĩa, người ta đã chẳng còn hứng thú bởi những điều mới mẻ, kì diệu mà tình yêu mang lại.

        Chính Ta-go trong bài thơ tình số 28 cũng đã bày tỏ:

“Trái tim anh lại là tình yêu

Nào ai biết được chiều sâu và bến bờ của nó

Em là nữ hoàng của vương quốc đó

Ấy thế mà em có biết trọn nó đâu”.

       Nhưng, nếu thơ Ta-go là tiếng nói hướng nội truy tìm bản thể để hướng tới những suy tưởng triết lý sâu sắc thì thơ Xuân Quỳnh hướng ngoại để hướng nội, nên ở đây tính chất triết lý suy tưởng được giấu bên ngoài vẻ hồn nhiên trực cảm, do đó dễ khơi gợi sự đồng điệu cảm xúc bên ngoài và đánh thức những suy tưởng bên trong độc giả.

       Chỉ với hai khổ thơ ngắn, nhưng cách diễn đạt nhỏ nhẹ cùng với những câu hỏi vừa như nghi vấn, vừa như giãi bày đã phần nào lột tả nét nữ tính, mềm mại trong hồn thơ Xuân Quỳnh. Đồng thời ở hai khổ thơ này, người đọc cũng thấy thêm một nét mới mẻ nữa của những trái tim yêu trong hành trình kiếm tìm, chinh phục, lí giải cội nguồn của tình yêu.

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Ads Blocker Detected!!!

Chúng tôi đã phát hiện ra rằng bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Hãy hỗ trợ chúng tôi bằng cách tắt các trình chặn quảng cáo này.