So sánh bài thơ Từ ấy của Tố Hữu và Vội vàng của Xuân Diệu

So sánh bài thơ Từ ấy của Tố Hữu và Vội vàng của Xuân Diệu

 

Camnang24h.net sẽ cung cấp bài văn mẫu: So sánh bài thơ Từ ấy của Tố Hữu và Vội vàng của Xuân Diệu, để thấy những điểm giống và khác nhau trong phong cách viết thơ của hai tác giả, quan niệm sống cũng như cách nhìn nhận cuộc sống có điều gì đặc biệt. Hai bài thơ Từ ấy và Vội vàng đều thể hiện quan niệm sống tích cực của giới trẻ lúc bấy giờ. Nhưng ở mỗi bài thơ vẫn thể hiện những quan điểm riêng của hai nhà thơ.

Xem thêm:

So sánh hai đoạn thơ trong bài Vội vàng và Từ ấy

“Ta muốn ôm 

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn, 

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, 

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều 

Và non nước, và cây, và cỏ rạng, 

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, 

Cho no nê thanh sắc của thời tươi, 

– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” 

(Vội vàng – Xuân Diệu)

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người 

Để tình trang trải với trăm nơi 

Để hồn tôi với bao hồn khổ 

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời. 

Tôi đã là con của vạn nhà 

Là em của vạn kiếp phôi pha 

Là anh của vạn đầu em nhỏ 

Không áo cơm, cù bất cù bơ…”

(Từ ấy – Tố Hữu)

DÀN Ý SO SÁNH ĐOẠN THƠ TRONG BÀI VỘI VÀNG VÀ TỪ ẤY

  1. Giới thiệu

– Giới thiệu về 2 tác giả và 2 tác phẩm

– Nhận xét chung: Hai đoạn thơ trích từ hai bài thơ của hai tác giả đã nêu lên quan niệm sống tích cực, đẹp đẽ của một nhà thơ Mới và một nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại.

  1. Cảm nhận đoạn thơ trong bài thơ “Vội vàng” (Xuân Diệu)

– Về nội dung:  Quan niệm sống của Xuân Diệu xuất phát từ tình yêu cuộc sống, con người tha thiết và một cảm quan đặc biệt về thời gian. Vẻ đẹp cuộc sống trong cái nhìn của nhà thơ hiện ra với những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ : mây đưa, gió lượn, cánh bướm, tình yêu, cỏ rạng ngời trong nắng. Nhà thơ đã nhân hoá những vẻ đẹp thiên nhiên đó để nó mang hương sắc của tuổi xuân, tuổi trẻ. Tuy nhiên, những vẻ đẹp ấy sẽ phai tàn cùng với sự trôi chảy của thời gian. Vì vậy, sống là phải chủ động, hết mình, đắm say, mãnh liệt, thức nhọn mọi giác quan để tận hưởng tất cả những vẻ đẹp của cuộc sống, của niềm vui, tình yêu và hạnh phúc. Chú ý phân tích các từ : ôm-riết-say- thâu-hôn-cắn và điệp từ ta muốn để thấy rõ cảm xúc ham hố, vồ vập cả nhà thơ trước vẻ đẹp cuộc sống trần gian.

– Về nghệ thuật: Góp phần thể hiện nội dung cảm xúc của đoạn thơ, nhà thơ đã sử dụng thành công những câu thơ tự do mang điệu nói, nhịp thơ dồn dập, lôi cuốn; cách sử dụng những động từ táo bạo, mới mẻ; phép lặp từ… để khắc hoạ ước muốn giao cảm tận độ vô biên của thi sĩ với cuộc sống.

  1. Cảm nhận đoạn thơ trong bài “Từ ấy” (Tố Hữu)

– Về nội dung: Quan niệm sống và cũng là quan niệm nghệ thuật của Tố Hữu thể hiện trong đoạn thơ là kết quả của sự giác ngộ lí tưởng cộng sản. Nó đã chỉ rõ con đường đời và con đường nghệ thuật của nhà thơ là phải đứng vào hàng ngũ những người lao động để gắn bó, cùng chiến đấu vì lí tưởng cộng sản. Tố Hữu quan niệm : sống là tự nguyện đặt cái “tôi” của mình trong mối quan hệ gắn bó với quần chúng nhân dân. Tâm hồn thi sĩ trải rộng với cuộc đời, cùng hoà nhịp, đồng cảm với những con người đau khổ như những người ruột thịt. Sống là chiến đấu, là hi sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì quần chúng, nhân loại cần lao. (Chú ý phân tích các từ : “tôi buộc”, “tôi đã là con”, “là anh”, “là em”, “trăm nơi”, “hồn khổ”, “vạn nhà”, “kiếp phôi pha”…)

 Về nghệ thuật: Góp phần thể hiện nội dung cảm xúc của đoạn thơ, nhà thơ đã sử dụng thành công phép lặp, những từ ngữ giàu tính tạo hình, biểu cảm  ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, nhịp thơ dồn dập, mạnh mẽ….

Playvolume00:00/01:00Truvid

  1. Những điểm tương đồng và khác biệt của hai đoạn thơ

– Nét tương đồng giữa Vội vàng và Từ ấy

  • Hai đoạn thơ đều thể hiện quan niệm sống tích cực, đẹp đẽ của một thế hệ tuổi trẻ được thức tỉnh ý thức cá nhân, khát khao được khẳng định mình bằng một cuộc sống có ý nghĩa. Đó là lẽ sống cao đẹp của những con người gắn bó với cuộc đời, với nhân dân, đất nước.
  • Hai nhà thơ đã vận dụng những thành tựu nghệ thuật của công cuộc hiện đại hóa thơ ca đương thời.

– Sự khác biệt quan niệm sống cũng như cách nhìn nhận cuộc sống của Xuân Diệu và Tố Hữu

  • Đoạn thơ của Xuân Diệu thể hiện quan niệm sống của một nhà thơ Mới. Nó thể hiện sự  trân trọng của nhà thơ với vẻ đẹp  cuộc sống, tuổi trẻ, niềm vui, hạnh phúc ở cuộc đời. Đó là một quan niệm giàu giá trị nhân văn.
  • Đoạn thơ của Tố Hữu nêu lên lẽ sống của một nhà thơ cách mạng đã nhận thức sâu sắc mối liên hệ giữa cá nhân mình với quần chúng lao khổ để chiến đấu vì một lí tưởng chung. Đó là lẽ sống cao đẹp của con người ưu tú khi được giác ngộ cách mạng.

BÀI VĂN MẪU HAY SO SÁNH ĐOẠN THƠ TRONG BÀI VỘI VÀNG VÀ TỪ ẤY

Trong văn đàn Việt Nam, khi nhắc đến Xuân Diệu người ta thường nghĩ đến một hồn thơ tự do, bay bổng với những điều kì dị, ngỡ ngàng, mới mẻ còn khi nhắc đến nhà thơ Tố Hữu, người đọc lại nghĩ ngay đến những vần thơ chính trị, thời cuộc nhưng đậm chất dân tộc, dễ đi vào lòng người. Khi nói về tư tưởng hòa nhập và khát vọng sống, mỗi nhà thơ lại có những quan điểm và cách thể hiện riêng. Có thể tìm hiểu điều đó qua hai đoạn thơ trong hai bài Vội vàng của Xuân Diệu và Từ ấy của Tố Hữu.

Ở Vội vàng, Xuân Diệu bộc lộ một triết lí sống vội vã, cháy bỏng, cuồng nhiệt với thanh xuân với tuổi trẻ. Nhà thơ cho rằng tuổi trẻ là thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời cũng giống như mùa xuân đến trong đất trời, vạn vật rực rỡ, bung nở. Thế nhưng mùa xuân của đất trời thì vẫn tuần hoàn, xuân qua xuân lại lại còn mùa xuân của đời người thì chỉ có một lần, nếu con người không biết sống hết mình, sống tận hưởng tuổi xuân thì chúng ta đang lãng phí cuộc đời của mình. Hiểu được thực tại ấy, nhà thơ thấy trân quý, khao khát kéo dài thanh xuân của mình, muốn được sống hết mình, được cống hiến, được tận hưởng để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Nhà thơ đã sử dụng hàng loạt động từ, tính từ mạnh: ôm, riết, say, thâu, chếnh choáng, đã đầy… để bộc lộ tâm trạng và khao khát ấy của bản thân. Ông muốn được sống đúng với bản năng, với khát vọng của mình, được hòa nhập với thiên nhiên đất trời, được thả mình trong đó để tận hưởng và lưu giữ vẻ đẹp của xuân hồng. Nhà thơ đã cảm nhận thiên nhiên cuộc sống bằng vẻ đẹp tươi xanh đầy sức sống nhất của nó, từ đó thúc giục con người hãy sống vội vàng, ý nghĩa hơn với thanh xuân với cuộc đời.

Còn ở bài thơ Từ ấy, đây là tác phẩm được tác giả viết khi ông vinh dự và tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhà thơ bày tỏ niềm tự hào ấy bằng những ngôn từ và cảm xúc rung động đến bổi hổi và rạo rực. Đồng thời cũng từ đây, nhà thơ ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với nhân dân với đất nước khi đã là một người đảng viên. Nhà thơ buộc mình phải mở lòng, phải hòa nhập với tất cả mọi người, không xa rời quần chúng nhân dân mà luôn gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân, giúp dân nói lên nguyện vọng của mình. Người đảng viên là người đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của những con người cùng khổ, do đó họ không thể để mình xa cách cao cao tại vị mà phải đặt mình ở trong dân. Nhà thơ tự nhận mình là con, là em, là anh của vạn người, vạn nhà để nhấn mạnh nghĩa vụ và trách nhiệm ấy của mình. Từ nay, cuộc sống của ông hoàn toàn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, ông phải trở thành một người tiên phong, dẫn bước, luôn kề cận, sát cánh cùng nhân dân trong con đường đấu tranh cách mạng. Đó là một tư tưởng sống cống hiến, sống hòa nhập rất phù hợp với hoàn cảnh và thời đại của nhà thơ.

Như vậy có thể thấy tư tưởng chủ đạo trong khổ thơ của Xuân Diệu là cách sống hòa mình, hòa nhập với thiên nhiên đất trời, tận hưởng tuổi trẻ sống hết mình, sống ý nghĩa đối với thanh xuân ngắn ngủi. Còn đối với Tố Hữu, đó là tư tưởng sống hòa nhập với con người, gần gũi, gắn bó mật thiết với con người để con người cùng nhau tiến lên. Cả hai tư tưởng này đều rất đúng đắn, nó giáo dục khuyến khích con người hãy biết mở lòng, biết sống hết mình. Dù là có sự khác nhau do bối cảnh và ý nghĩa chủ đề nhưng đây đều là hai tác phẩm xuất sắc nói lên những tư tưởng sáng suốt, có ý nghĩa trong cả tiến trình thời gian và là bài học sâu sắc cho cả thế hệ ngày nay.

Trên đây là bài văn so sánh đoạn thơ trong bài Vội vàng và Từ ấy mà Camnang24h.net biên soạn với mong muốn giúp các em phân biệt được phong cách sáng tác, những điểm khác biệt hay tương đồng cảm nhận về khát vọng sống của hai tác giả Xuân Diệu và Tố Hữu, qua đó giúp các em học tốt hơn trong quá trình học bộ môn văn học lớp 11.

 

Ads Blocker Image Powered by Code Help Pro

Ads Blocker Detected!!!

Chúng tôi đã phát hiện ra rằng bạn đang sử dụng tiện ích mở rộng để chặn quảng cáo. Hãy hỗ trợ chúng tôi bằng cách tắt các trình chặn quảng cáo này.